Các võ phái Ngũ hình quyền

Hồng Gia quyền

Điểm nổi bật giống nhau giữa các hệ phái Thiếu Lâm Hồng Quyền do Hồng Hy Quan phát triển là hệ thống Ngũ Hình Quyền dựa trên cơ sở các động tác của Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc tượng trưng cho Ngũ Hành (Long (Thổ) luyện Thần, Xà (Thủy) luyện Khí, Hổ (Kim) luyện Xương Cốt, Báo (Mộc) luyện Gân, Hạc (Hỏa) luyện Tinh). Cũng có một số hệ phái Hồng quyền không có hệ thống Ngũ Hình Quyền, những hệ phái Hồng quyền này rất ít và không phải là Hồng quyền tiêu biểu. Hồng Gia Quyền đặc biệt chú trọng đến việc mô phỏng động tác của loài hổ và được chọn lọc để nâng lên thành bài Hổ hình quyền.

Bài Ngũ Hình quyền của Hồng Gia quyền sau này được phát triển lên thành Thập Hình quyền (Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc, Tượng, Mã, Sư, Hầu, Bưu), có nhiều lưu phái Hồng Gia quyền của Hồng Hy Quan đã không còn dạy bài Ngũ Hình nữa mà chỉ còn dạy bài Thập Hình. Hiện nay nhiều lưu phái Hồng Gia quyền lấy hẳn bài Thập Hình quyền làm đặc trưng quyền pháp vì trong đó đã có bài Ngũ Hình rồi. Bạch Mi quyền của Bạch Mi đạo nhân sau này cũng được sáng tác trên cơ sở Hổ hình quyền và Báo hình quyền của Ngũ Hình quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam.

Vịnh Xuân Quyền

Hệ thống ngũ hình quyền với năm con linh thú (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc) nằm trong chương trình luyện tập của một số dòng phái Vịnh Xuân quyền tại Hà Nội, Việt Nam như Vĩnh Xuân Nội gia quyền, Vĩnh Xuân Ngô gia Hoàng pháp và hiện cũng đã được tập luyện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trải qua một tiến trình lịch sử dằng dặc, hệ thống ngũ hình đã được trau truốt, tinh lọc, sửa đổi rất nhiều. Đáng chú ý là sự bổ sung của hệ thống này vào kỹ pháp các dòng phái Vịnh Xuân quyền Việt Nam. Khi nghiên cứu 6 bài quyền (Ngũ hình quyền tổng hợp, Long hình quyền, Hổ hình quyền, Báo hình quyền, Xà hình quyền, Hạc hình quyền), mặc dù đã ít nhiều có sự hòa hợp của hệ thống này so với các công phu Vịnh Xuân quyền truyền thống, người tập vẫn dễ dàng nhận ra một số khác biệt: tính đơn thế và tính chất trường quyền.

Lý giải về sự có mặt của ngũ hình quyền pháp trong Vịnh Xuân quyền Việt Nam không ngoài câu trả lời: sư tổ Tế Công là người am hiểu nhiều dòng phái võ thuật Trung Hoa, khi giảng dạy cho các môn sinh tại Việt Nam, dù vẫn nhấn mạnh công phu Vịnh Xuân, ông cũng có sự kết hợp với các dòng phái khác cho phù hợp với thể chất và năng khiếu của mỗi môn đồ. Lý giải điều đó cũng giúp ta nhận ra tại sao các dòng Vịnh Xuân tại Thành phố Hồ Chí Minh có một hệ thống bài quyền khác biệt với miền Bắc, và nhiều võ sư Vịnh Xuân quyền Việt Nam đã phát triển môn phái theo các hướng khác nhau, dù cùng xuất xứ từ tổ sư.

Theo lưu phái Vịnh Xuân quyền tại Phật Sơn, Quảng Đông và Vịnh Xuân quyền từ Diệp Vấn ở Hong Kong thì Vịnh Xuân quyền chỉ có 4 bài quyền gồm: Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều, Tiêu Chỉ, và Mộc Nhân Trang có 116 chiêu thức trong đó 1/2 bài là lập lại thành ra chỉ có 58 chiêu thức trên thực tế, khác với bài Mộc Nhân Trang của Vịnh Xuân quyền Hà Nội có 108 chiêu thức.

Tương truyền rằng Nguyễn Tế Công đã du nhập hệ thống Ngũ Hình quyền từ Thiếu Lâm vào Vịnh Xuân vì Nguyễn Tế Công đã từng học qua Thiếu Lâm quyền truyền thống, nhưng trong hệ thống Ngũ Hình quyền này từ Nguyễn Tế Công cho thấy không giống Ngũ Hình quyền của Thiếu Lâm. Ngũ Hình quyền là một hệ thống quyền pháp nổi tiếng tại chùa Thiếu Lâm (Tung Sơn, Hà Nam) và tại chùa Nam Thiếu Lâm (Phúc Kiến).

Hệ thống Ngũ Hình quyền tại chùa Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến còn tồn tại sót lại trong hệ thống quyền pháp của Thiếu Lâm Hồng giaBạch Mi quyền rất rõ nét của Thiếu Lâm quyền còn vương lại nhưng cũng không giống hoàn toàn với Ngũ Hình quyền của Thiếu Lâm (Tung Sơn, Hà Nam).

Hệ thống ngũ hình quyền của các dòng phái Vịnh Xuân Quyền Việt Nam bao gồm 6 bài:

  1. Ngũ hình quyền tổng hợp: bài được chia thành 5 phần tách biệt ứng với năm con thú thiêng, bắt đầu từ các chiêu thức tay xà, tiến tới tay long, hổ, báo và kết thúc là tay hạc. Các thế tấn và bộ pháp trong bài hỗ trợ cho thủ pháp. Đây là bài quyền đặc biệt phong phú về chiêu thức, động tác. Phong thái kết hợp cả nhu nhuyễn, chậm rãi đến tốc lực, dương cương.
  2. Long hình quyền: Long quyền thuộc thổ, lấy tỳ làm chủ, luyện thần. đặc trưng bởi những thế chộp, vồ (cầm nã thủ), sử dụng bàn tay với các ngón tay xòe mở rộng trong những chiêu thức nhấn mạnh nguyên lý vòng tròn, các chiêu thức thường được diễn thế lặp lại 3 lần.
  3. Hổ hình quyền: Hổ quyền thuộc kim, chủ phế, dùng để luyện cơ bắp. Bài không có đòn chân (cước pháp). Chủ luyện đòn đấm thẳng dẫn đạo (tay hổ), đòn đánh bằng lưng bàn tay kết hợp với bật chỏ ngang. Các đòn thế thường đi theo đường thẳng, với tốc độ cao và uy lực cương mãnh không thích hợp cho nữ giới.
  4. Báo hình quyền: Báo quyền hành mộc, chủ can, luyện gân. Bài sử dụng tấn pháp linh hoạt, nhanh nhẹn phối hợp với những đòn tấn công chớp nhoáng bằng các khớp xương giữa của đốt ngón tay gọi là Báo Chùy (tay báo) dùng để chặn đòn đối phương hay đánh bật vào huyệt thái dương, thường sử dụng hai tay tấn công đồng thời kết hợp với cước pháp.
  5. Xà hình quyền: Xà quyền thuộc hành thủy, chủ thận, luyện khí (tiên thiên). Rắn không chân nên bài Xà quyền không có đòn cước. Bài chủ luyện sự nhu nhuyễn, linh hoạt của những ngón tay (tay xà) uốn éo với nguyên tắc dùng eo xoay để phát lực, thường áp dụng những thế tấn rất thấp và có những thế đánh dạng hồi mã thương rất độc thủ. Bài còn được luyện quỳ ngồi nằm trên mặt đất để trở thành bài Xà địa quyền.
  6. Hạc hình quyền: Hạc quyền thuộc hành hỏa, chủ tâm, dùng để luyện tinh. Bài sử dụng những đòn đánh bằng cạnh tay (tay hạc) và cổ tay gọi là Hạc Đỉnh thủ và Hạc Câu thủ hoặc mỏ hạc gọi là Hạc Trủy thủ trong những tư thế dang mở rộng cánh với những đòn đánh chỏ kết hợp với tấn chéo, tấn một chân (hạc tấn). Nhiều môn đồ Vịnh Xuân quyền đánh giá đây là bài quyền có phong cách hào sảng và đẹp nhất trong các bài ngũ hình quyền.